Hồ bơi… cạn nước

Thứ Sáu, 28/09/2018, 15:35 [GMT+7]
In bài này
.

Xây dựng không đúng quy chuẩn, hoạt động không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang nhiều năm là tình trạng chung của một số hồ bơi trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Thực trạng này đã gây lãng phí lớn. 

NHIỀU HỒ BƠI KHÔNG HOẠT ĐỘNG 

Trong tháng 9, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát thực trạng 17 hồ bơi trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, ngoại trừ một số ít hồ bơi hoạt động hiệu quả, còn lại phần lớn là có ít khách hoặc thậm chí là bỏ hoang.

Sáng 21-9, cùng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh, chúng tôi đến khảo sát hồ bơi của Trường TH Võ Nguyên Giáp (TP.Vũng Tàu). Thầy Trần Quán, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hồ bơi di động tại trường rộng 17m, dài 21m, với 4 đường bơi, do Công ty CP Hỗ trợ đầu tư và Phát triển giáo dục quốc tế VES đầu tư từ năm học 2017-2018. Sau khi đưa vào sử dụng (tháng 9-2017), đã có hàng ngàn lượt HS đến học và biết bơi. Cụ thể, năm học 2017-2018 có hơn 600 em; dịp hè vừa qua có 150 em và hiện nay có 705 em HS đang học bơi tại trường (học phí 100.000 đồng/HS/tháng). Ngoài Trường TH Võ Nguyên Giáp, hồ bơi của Nhà Thiếu nhi tỉnh cũng hoạt động hiệu quả, thường xuyên thu hút trẻ em đến sinh hoạt và học bơi mỗi ngày.

Hồ bơi Nhà Thiếu nhi tỉnh là một trong số ít hồ bơi hoạt động hiệu quả. Ảnh: MINH QUANG
Hồ bơi Nhà Thiếu nhi tỉnh là một trong số ít hồ bơi hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều hồ bơi tại các trường học khác thì ngược lại bỏ hoang, rất lãng phí. Chẳng hạn tại Trường TH Hạ Long, hồ bơi di động đã được lắp đặt từ tháng 9-2017 nhưng chưa bao giờ được sử dụng. Thành hồ đã bạc màu theo thời gian, đáy hồ thì cạn khô. Nguyên nhân là do diện tích mặt bằng lắp đặt hồ bơi quá nhỏ, không có phòng thay đồ cho HS. Hơn nữa, gần trường có một số khách sạn, KDL và Nhà Thiếu nhi có hồ bơi nên rất ít phụ huynh đăng ký cho con em mình học bơi tại trường. Vì vậy, Trường chưa thực hiện việc dạy bơi.

Hồ bơi tại Trường TH Hạ Long được lắp đặt theo hình thức xã hội hóa, là hồ bơi di động nên nếu không hiệu quả, có thể tháo dỡ. Trong khi đó, hồ bơi tại Trường MN Cỏ May (phường 12, TP.Vũng Tàu) được xây dựng kiên cố và đưa vào sử dụng từ năm 2015 cùng với ngôi trường. Điều đáng nói, mực nước hồ bơi chỗ sâu nhất là 1,1m, không phù hợp với lứa tuổi mầm non (từ 2-5 tuổi). Do lo ngại đến sự an toàn của trẻ, nhà trường đã xả hết nước và đang bỏ hoang từ đó đến nay. Ngược lại, hồ bơi của Trường MN Phước Nguyên (TP.Bà Rịa) thì mực nước chỉ chừng 30cm, cũng không phù hợp cho việc dạy - học bơi nên cũng chung số phận. Còn hồ bơi tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Đất Đỏ tuy đạt quy chuẩn về xây dựng, mực nước, nhưng lại không thu hút được khách đến bơi nên mỗi tháng ngân sách huyện phải chi tới 20 triệu đồng để duy trì hoạt động hồ bơi.

Hồ bơi di động tại Trường TH Hạ Long, TP.Vũng Tàu không được sử dụng.
Hồ bơi di động tại Trường TH Hạ Long, TP.Vũng Tàu không được sử dụng.

Bên cạnh đó, hầu hết các hồ bơi chưa có giấy phép hoạt động, một số thiếu giấy phép kinh doanh, chưa có HLV, cứu hộ viên có bằng cấp đạt chuẩn. Một số hồ bơi nguồn nước chưa đạt chuẩn. Với những hồ bơi tư nhân, các chủ hồ tự xử lý nước theo kinh nghiệm. Ông Hồ Tấn Châu, chủ hồ bơi Châu Mai (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) cho hay, ông xây dựng hồ bơi từ năm 2001. Với giá vé 15.000 đồng/người, hồ bơi chủ yếu thu hút trẻ em vào những ngày cuối tuần (khoảng 100 em/ngày). “Chi phí điện, nước, hóa chất xử lý nước, thuê HLV khoảng 20 triệu đồng/tháng. Do thu không đủ bù chi nên tôi phải lấy thêm tiền từ kinh doanh phòng trọ, cà phê bù vào để duy trì hoạt động của hồ bơi. Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, tôi phải tự mua hóa chất về xử lý nước hồ”, ông Châu cho biết thêm. 

GIẢI PHÁP NÀO?

Theo kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, khoảng 90% hồ bơi được khảo sát hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân do một số hồ bơi xây dựng hoặc lắp đặt ở địa điểm chưa phù hợp (khu dân cư thưa thớt, quá xa khu dân cư hoặc ở nơi có nhiều hồ bơi đang hoạt động hiệu quả…) nên giảm sức thu hút. Một nguyên nhân nữa là một số hồ bơi thiết kế không phù hợp với độ tuổi của đối tượng phục vụ, thiếu hệ thống xử lý nước... dẫn đến hồ bỏ không, trong khi nhu cầu học bơi vẫn có. 

Việc đầu tư xây dựng hồ bơi bằng ngân sách hay từ nguồn xã hội hóa đều nhằm mục đích tốt đẹp là phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho người dân. Thế nhưng, hiệu quả của các hồ bơi chưa cao, thậm chí gây lãng phí là điều mà nhiều người cũng như các thành viên đoàn khảo sát trăn trở.   

Theo ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn khảo sát, “Những bất cập của tình trạng trên đòi hỏi các địa phương cũng như chủ đầu tư phải xem xét, khảo sát kỹ lưỡng khi đầu tư, lắp đặt hồ bơi như: Xây dựng ở khu vực nào, đối tượng sử dụng là ai; phong trào bơi lội tại khu vực được đầu tư xây dựng, lắp đặt hồ bơi có phát triển mạnh không, từ đó mới quyết định đầu tư hoặc cấp giấy phép xây dựng hồ bơi. Theo đánh giá của tôi, không nhất thiết trường học nào cũng xây dựng, lắp đặt hồ bơi, có thể theo cụm dân cư, ví dụ 2 hoặc 3 xã xây dựng, lắp đặt 1 hồ bơi thì hiệu quả sẽ cao hơn, bởi hồ bơi không chỉ chiếm diện tích, mà công tác quản lý, vận hành và duy trì không hề đơn giản nên phải cân nhắc trước khi làm. Với những hồ bơi đã có, nếu đạt quy chuẩn về chất lượng xây dựng, về nguồn nước, HLV, cứu hộ viên, chính quyền địa phương nên hỗ trợ, kết nối giữa chủ hồ bơi với các trường học để đào tạo, phổ cập bơi cho trẻ em, HS trên địa bàn. Việc làm này nhằm phát huy hiệu quả của hồ bơi, góp phần phổ cập bơi, nâng cao hiệu quả phòng, chống đuối nước cho trẻ”- ông Huỳnh Văn Hồng đề xuất.

Bài, ảnh: MINH THANH

;
.