Sức hấp dẫn của một trò chơi trí tuệ

Thứ Sáu, 07/09/2018, 07:55 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 2-9 vừa qua, trận chung kết chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đã đánh dấu mốc lần thứ 18 của một trò chơi truyền hình trên kênh sóng VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam. Qua 18 năm, “Đường lên đỉnh Olympia” vẫn chứng tỏ đẳng cấp của một trò chơi lớn, đầy trí tuệ.

Nguyễn Hoàng Cường (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) trở thành Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” 2018. Ảnh: Zing
Nguyễn Hoàng Cường (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) trở thành Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” 2018. Ảnh: Zing

Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 21-3-1999. Mỗi năm, với 36 cuộc thi tuần, 12 cuộc thi tháng, 4 cuộc thi quý và một cuộc thi chung kết năm. Như vậy, “Đường lên đỉnh Olympia” đã trải qua 936 cuộc thi. Một con số không nhỏ trong thời buổi mà các trò chơi truyền hình xuất hiện như nấm sau mưa, trong đó nhiều chương trình phải dừng lại chỉ sau vài lần phát sóng.

Ngoại trừ trận chung kết được truyền hình trực tiếp từ lúc 8 giờ 30 sáng Chủ nhật, các cuộc thi tuần, tháng, quý đều được phát sóng vào 13 giờ trưa Chủ nhật và phát lại vào 10 giờ sáng thứ Sáu tuần kế tiếp trên VTV3. Cuộc thi nào cũng có 4 vòng: Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Về đích với nhiều câu hỏi được chia đều cho các môn và lĩnh vực: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, tiếng Anh, Thể thao, Nghệ thuật, hiểu biết chung.

Ngay từ những mùa đầu tiên, dù còn ít nhiều hạn chế nhưng “Đường lên đỉnh Olympia” đã thu hút sự chú ý của giới trẻ. Đến giờ, sau 18 năm, vòng nguyệt quế vinh quang của “Đường lên đỉnh Olympia” vẫn luôn là niềm khát khao, động lực vươn tới của nhiều HS Việt Nam.  Đây cũng là gameshow trí tuệ được đánh giá là hấp dẫn, tạo cảm hứng tích cực tới đông đảo khán giả xem truyền hình, cũng như nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành.

Có thể nói, hình ảnh cả gia đình ngồi trước màn hình tivi để xem chương trình này vào các ngày Chủ nhật, nhất là các ngày diễn ra các cuộc thi tháng, quý không phải là hiếm gặp trong 18 năm qua. Trò chơi “Đường lên đỉnh Olympia” cũng là game được nhiều người tải về hoặc chơi online. Riêng trận chung kết năm thì đến bây giờ, khi mà người Việt đang bội thực với các gameshow, đây vẫn là sự kiện lớn đáng được chờ đợi chẳng khác gì chung kết hoa hậu Việt Nam 2 năm mới tổ chức một lần vậy.

Điều đầu tiên làm nên sức hút của chương trình chính là cuộc đua đầy kịch tính nhằm giành lấy vòng nguyệt quế của các thí sinh (TS). Mỗi năm có 144 HS tham gia cuộc thi và các HS này đều là những người xuất sắc do các trường THPT trên cả nước tuyển chọn. Nếu như người giành được vòng nguyệt quế của cuộc thi tuần có thể thắng nhờ gặp may khi “trúng tủ” những câu hỏi mà mình đã từng học qua, nhất là ở phần “vượt chướng ngại vật”, thì càng vào các vòng trong, yếu tố may mắn càng ít đi.

Ví dụ, ở cuộc thi tuần, TS nào không may mắn khi phải đứng chung với một đối thủ mạnh, ứng cử viên sáng giá cho vòng nguyệt quế năm vẫn có thể lọt vào vòng trong nếu đạt số điểm thứ nhì cao nhất trong 3 tuần. Và người có số điểm thứ nhì cao nhất trong 3 cuộc thi tháng cũng sẽ là TS thứ 4 được chọn để tham gia cuộc thi quý. Thế nên mới có những TS vào tới tận cuộc thi quý, trải qua 3 vòng thi (tuần, tháng, quý) mà không hề có một vòng nguyệt quế nào làm kỷ niệm. Cũng cần phải nói thêm rằng lịch sử “Đường lên đỉnh Olympia” đã có rất nhiều HS giỏi đạt các giải thưởng quốc gia danh giá, nhưng lại thất bại ngay trong cuộc thi tuần, không mang về vòng nguyệt quế cũng chẳng thể bước vào vòng trong. Vậy nên, Quán quân, người giành được cả 4 vòng nguyệt quế của chương trình phải là người thực sự giỏi, nắm chắc kiến thức trong nhà trường, có hiểu biết về các sự kiện xã hội, nhanh nhạy và có bản lĩnh thi đấu kiên cường chứ không chỉ là ăn may hay nói cách khác “may mắn nếu có cũng chỉ lặp lại nhiều lần với những ai thực sự mạnh”.

Không thể phủ nhận yếu tố quan trọng làm nên sức hút của chương trình chính là giải thưởng dành cho người chiến thắng cuối cùng. Ngoài vòng nguyệt quế và những vinh quang kèm theo, Quán quân đường lên đỉnh Olympia còn được nhận suất học bổng du học trị giá 35.000 USD (khoảng 800 triệu đồng) - một con số không hề nhỏ đối với một HS.

Bên cạnh đó, điểm cộng mang lại thành công cho cuộc thi chính là tài năng và tâm sức của những người làm chương trình, mà chủ yếu là các MC như: Tạ Bích Loan, Lưu Minh Vũ, Tùng Chi, Khắc Cường, Việt Khuê, Ngọc Huy, Diệp Chi... Những nhà báo tài năng này có điểm chung là thông minh, kiến thức uyên bác, nhưng mỗi người có một lối dẫn chương trình riêng. Người sôi nổi, người duyên dáng, người dí dỏm hài hước. Mỗi người mỗi vẻ nhưng tất cả họ đều ghi dấu ấn trong lòng các TS và khán giả khiến cho chương trình càng thêm sinh động, hấp dẫn.

18 năm là một chặng đường dài và 936 cuộc thi là một con số rất lớn đối với bất cứ chương trình truyền hình nào. Tuy nhiên, con số lớn đến mức khó có thể tính chính xác được đó chính là lượng kiến thức đã được đưa ra trong chừng đó cuộc thi. Chúng giúp cho không chỉ người chơi, mà hàng triệu khán giả xem chương trình đã tích lũy và củng cố thêm kiến thức trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Mong rằng, vòng nguyệt quế của chương trình sẽ mãi là biểu tượng vinh quang, là niềm mơ ước của các thế hệ HS THPT trên cả nước.

AN AN

;
.