Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11): Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Thứ Sáu, 23/11/2018, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái vẫn không giảm và ngày càng có nhiều vụ việc thương tâm xảy ra. Nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái gây nhức nhối xã hội hiện nay vẫn chủ yếu do định kiến về giới. 

Chị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), phường 11, TP.Vũng Tàu cho biết, 30 năm lấy chồng là quãng thời gian chị chịu đựng không biết bao nhiêu trận đòn chỉ vì tính ghen tuông, ngờ vực của chồng. Vì công việc xa gia đình nên có khi 1 tháng chồng chị Hoa mới về nhà 1 lần. Trong những lần về nhà, đôi khi chỉ vì lời trêu chọc vô tình của hàng xóm khiến chồng nổi cơn ghen và tra tấn chị bằng những trận mưa đòn. Chị Hoa kể: “Sau nhiều lần bị chồng đánh đập, tôi vừa buồn, vừa uất ức vì chồng không hiểu và chia sẻ gánh nặng với vợ, ngược lại còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Mỗi lần bị chồng hành hung, tôi chỉ muốn kết thúc cuộc sống hôn nhân, nhưng vì thương con, nên tôi đành chịu đựng”. 

Chị Hoa chỉ là một trong số những phụ nữ bị chồng bạo lực mà vẫn phải âm thầm chịu đựng. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp, đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, 10 năm qua (2008-2018), BR-VT xảy ra hơn 2.000 vụ bạo lực gia đình. Riêng từ đầu năm 2018 tới nay có tới 32 vụ. Nguyên nhân chính của bạo lực là do nhận thức bất bình đẳng giới, thái độ gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở một số nam giới. Do vậy, việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không thể đạt được kết quả như mong muốn nếu không có sự tham gia của nam giới, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Sự phản kháng của phụ nữ, nếu có, thì không thể chấm dứt bạo lực mà cần phải có sự chung tay của tất cả mọi người trong xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ, để xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, trước hết cần tập trung nhiều giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình phòng ngừa, ứng phó trước nguy cơ xảy ra bạo lực. Riêng tại TX.Phú Mỹ, thị xã tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình nhà tạm lánh tại phường Phú Mỹ để giúp phụ nữ bị bạo lực. Quan trọng hơn, để tiến tới xóa bỏ bạo lực thì cần nhất vẫn là sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới, sự tiên phong của nam giới trong thực hiện Luật Bình đẳng giới.

Nam thanh niên tham gia tập huấn mô hình “Vận động nam thanh niên tiên phong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ do Sở LĐTBXH phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức.
Nam thanh niên tham gia tập huấn mô hình “Vận động nam thanh niên tiên phong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ do Sở LĐTBXH phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức.

Nhằm hỗ trợ phụ nữ, các cấp Hội LHPN trong tỉnh phối hợp với ngành tư pháp triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ, hòa giải ở cơ sở và lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, duy trì hoạt động của Trung tâm tư vấn Pháp luật Phụ nữ tỉnh, 446 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 361 tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở có 1.632 thành viên tham gia, thường xuyên tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong gia đình… Còn tại Sở Văn hóa và Thể thao cũng triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Điển hình là thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở với sự tham gia của 1.839 thành viên. Từ đầu năm đến nay, lực lượng tư vấn viên, chống bạo lực gia đình và nhân viên chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình có 564 người. Bình quân 100% thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh có sự tư vấn trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình được đào tạo hệ 3 năm theo chuẩn quốc gia. 

Hỗ trợ phụ nữ học nghề, có việc làm, tự chủ kinh tế là một trong những giải pháp giúp phụ nữ tự khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Trong ảnh: Cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức thăm tổ may gia công cho phụ nữ trên địa bàn huyện.
Hỗ trợ phụ nữ học nghề, có việc làm, tự chủ kinh tế là một trong những giải pháp giúp phụ nữ tự khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Trong ảnh: Cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Châu Đức thăm tổ may gia công cho phụ nữ trên địa bàn huyện.

Để nâng cao nhận thức và hành động nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, bà Trương Thị Ánh Ngà, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em-Bình đẳng giới Sở LĐTBXH tỉnh cho biết: Thời gian qua sở đã triển khai thực hiện Đề án Phòng ngừa và ứng phó với Bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai xây dựng mô hình Nhà tạm lánh-địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cho phụ nữ bị bạo hành giai đoạn 2018-2020. Đây là tạm lánh khẩn cấp nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân hoặc người có nguy cơ bị bạo lực và con của họ khỏi đối tượng gây bạo lực hoặc có nguy cơ gây bạo lực. Đồng thời, họ được chăm sóc y tế ban đầu; tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân và con của nạn nhân (khi cần thiết); tư vấn, có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý…

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

;
.