Tăng tiết tiếng Anh tại các trường phổ thông công lập -Dạy và học thực chất hơn

Thứ Ba, 31/12/2019, 23:35 [GMT+7]
In bài này
.

Tiết dạy tiếng Anh rèn luyện kỹ năng nói cho HS lớp 10A14 do thầy Võ Văn Tuấn, GV Trường THPT Vũng Tàu đứng lớp thật đặc biệt. Thầy không buộc học trò phải chú ý nhìn lên bảng hay cặm cụi chép bài, thay vào đó thầy cho chủ đề để HS thảo luận theo nhóm, hoặc chơi các trò chơi phù hợp với kiến thức đã học. Nhờ vậy, tiết học rèn kỹ năng nói tiếng Anh diễn ra sinh động, nhẹ nhàng. 

Học sinh Trường THPT Vũng Tàu trong giờ học tiếng Anh.
Học sinh Trường THPT Vũng Tàu trong giờ học tiếng Anh.

THÊM CƠ HỘI RÈN LUYỆN KỸ NĂNG CHO HS

Sở dĩ thầy Tuấn có thể điều chỉnh được phương pháp giảng dạy là nhờ việc tăng thêm 2 tiết tiếng Anh/tuần so với trước. 

Thầy Tuấn cho biết, việc tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần nhằm rèn luyện kỹ năng nói và nghe cho HS. Do đó, phương pháp giảng dạy cũng có sự thay đổi so với các tiết học theo chương trình Bộ GD-ĐT quy định. Ở những tiết học này, GV không được tăng lượng kiến thức, không gây áp lực cho học trò mà phải sáng tạo các hình thức giảng dạy để thu hút HS. Có như vậy mới truyền cảm hứng, khuyến khích HS nghe và nói tiếng Anh. “Dù HS nói nhiều hay ít, tôi luôn dành cho các em những lời khen về sự tiến bộ để HS cố gắng. Tôi muốn mang đến cho các em những giờ học bổ ích. HS hứng thú khi học thì mới đam mê và tự tin, có phản xạ tốt hơn trong giao tiếp tiếng Anh”, thầy Tuấn nói. 

Em Nguyễn Trung Thuận, lớp 10A14 cho hay, 1 học kỳ được học tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần, kỹ năng và vốn ngoại ngữ của em có sự cải thiện đáng kể. “GV tổ chức tiết học nghe và nói theo kiểu “vừa học vừa chơi” nên em thấy thoải mái, tự tin và chủ động nói tiếng Anh nhiều hơn trước”, Thuận nói.

Với HS nông thôn, việc tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần càng có ý nghĩa bởi ở những nơi này có ít trung tâm dạy tiếng Anh. Do vậy, khi chương trình được triển khai, nhiều trường học đã thực hiện, trong đó phải kể đến huyện Châu Đức. Đến nay tại huyện Châu Đức đã có 15 trường THCS và 17 trường TH thực hiện tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần. UBND huyện đã phê duyệt kinh phí chi trả dạy 2 tiết tiếng Anh/tuần cho GV các trường từ ngày 19/8 đến 31/10/2019 với số tiền hơn 853 triệu đồng. 

Thầy Nguyễn Văn Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Đức cho biết, nhà trường đã thực hiện tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần từ đầu năm học 2019-2020 ở tất cả các lớp từ khối 6 đến 9. Do chưa tìm được thêm GV hợp đồng, nên 4 GV của trường phải thực hiện tăng tiết, phần nào đó đã gây áp lực cho các GV. Dự kiến, sang học kỳ 2 năm học này, Trường THCS Châu Đức sẽ phải hợp đồng với 2 GV nữa. “Nhìn chung, việc thực hiện tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần của trường khá thuận lợi. Những tiết học nói và nghe giúp HS nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, tạo nền tảng cho tương lai, mở ra cho các em cơ hội học tập, làm việc trong thời kỳ hội nhập”, thầy Đạt nhận định.

Em Trần Thị Trâm Anh, lớp 9A6 Trường THCS Châu Đức phấn khởi cho biết, từ trước tới nay, trong chương trình học chính khóa, môn tiếng Anh chưa có tiết nói và nghe. Vì vậy, để rèn luyện 2 kỹ năng này, em phải đi học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ với chi phí cao. Do đó, khi được học thêm tiếng Anh tại trường mà không tốn học phí, Trâm Anh rất hào hứng. “Những tiết học tiếng Anh tăng cường đã giúp em có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng, hình thành thói quen giao tiếp tiếng Anh nhiều hơn”, Trâm Anh chia sẻ.

Hiện nay, nhiều trường học đã ứng dụng hiệu quả hệ thống bảng tương tác thông minh để dạy và học môn Tiếng Anh. Trong ảnh: Học sinh trường THPT Xuyên Mộc trong một tiết học Tiếng Anh.
Hiện nay, nhiều trường học đã ứng dụng hiệu quả hệ thống bảng tương tác thông minh để dạy và học môn Tiếng Anh. Trong ảnh: Học sinh trường THPT Xuyên Mộc trong một tiết học Tiếng Anh.

KHÔNG GÂY ÁP LỰC CHO GV

Hiệu quả của chương trình tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ GV nên việc triển khai dạy tiếng Anh tăng cường còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường học hiện vẫn chưa thực hiện được. 

Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông từ lớp 3 đến 12 từ năm học 2019-2020 đến năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là HS từ lớp 3 đến lớp 12 tại các trường phổ thông trong toàn tỉnh (trừ HS chuyên Anh) được tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần so với số tiết quy định của Bộ GD-ĐT. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho HS, giúp HS mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài. HS hoàn thành chương trình TH đạt cấp độ A1 (bậc 1), tốt nghiệp THCS đạt A2 (bậc 2), tốt nghiệp THPT đạt B1 (bậc 3) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Kinh phí thực hiện chương trình được Ngân sách tỉnh chi trả, với mức trung bình hơn 28,5 tỷ đồng/năm học.

Chương trình tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần cho HS từ lớp 3 đến 12 trong các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh đã được áp dụng từ năm học 2019-2020. Nhờ đó, các trường đổi mới được phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực tiếng Anh cho HS thực chất hơn.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo các trường học thực hiện chương trình tăng tiết tiếng Anh theo quy định bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2019-2020. Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường rà soát, phân công chuyên môn phù hợp để việc tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần không gây áp lực cho GV và bảo đảm chất lượng môn học. Các trường cần căn cứ vào thực tế của đơn vị, năng lực của HS, xây dựng nội dung giảng dạy phù hợp để việc tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần đạt mục đích tăng cường khả năng giao tiếp, kỹ năng nghe và nói cho HS, không gây áp lực cho HS.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

;
.