.

Gỡ khó cho nông sản, thủy sản

Cập nhật: 22:50, 06/08/2021 (GMT+7)

Chiều 6/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021. Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Trong ảnh: Chế biến cá đục xuất khẩu tại Công ty TNHH Tứ Hải, TP. Vũng Tàu.
Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Trong ảnh: Chế biến cá đục xuất khẩu tại Công ty TNHH Tứ Hải, TP. Vũng Tàu.

Hội nghị trực tuyến diễn ra trong 3 ngày, 6, 9 và 10/8/2021. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2021.

Nhiều tín hiệu tích cực

Thông tin tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng cả nước kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 15,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều đạt tăng trưởng dương. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (thủy sản, gạo, rau quả, cà phê) đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm. 4 thị trường xuất khẩu truyền thống và chủ lực của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong khi dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.

Riêng BR-VT, nhóm hàng nông lâm sản vẫn duy trì được mức tăng trưởng, với mức tăng 29,76%, đạt 172,25 triệu USD, chiếm 5,37% về tỷ trọng. Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương, các nhóm hàng nông lâm sản tăng cao do một số nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hoạt động giao thương được phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA... tạo điều kiện để nhóm hàng nông lâm sản của BR-VT thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

Tạo điều kiện lưu thông hàng hóa

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nông thủy sản Việt Nam vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, giá dịch vụ, vận chuyển tăng cao; tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ bị ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng. Thêm vào đó, liên kết, kết nối giữa các HTX, DN chưa nhiều, vẫn chủ yếu thông qua thương lái phân phối… Trước những vướng mắc đó, các địa phương đã kiến nghị các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

Thu hoạch nhãn tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ). Ảnh: KIM HỒNG
Thu hoạch nhãn tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ). Ảnh: KIM HỒNG

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương đề xuất, Bộ Công thương phát huy vai trò dịch vụ logistics trong hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng như cung cấp kịp thời thực phẩm đến người tiêu dùng, thông qua việc thực hiện các mô hình liên kết giữa người sản xuất, đầu mối thu mua. Đồng thời, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, các bộ ngành có liên quan kiểm soát giá vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp (đặc biệt là giá thức ăn trong chăn nuôi, phân bón, cây giống, con giống) để không ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, cũng như tâm lý người nông dân trong quá trình sản xuất và tái sản xuất, nhất là trong thời gian các tỉnh phía Nam đang thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16. Đối với thị trường xuất khẩu, hai Bộ cần hướng dẫn các DN tỉnh kết nối với các đối tác nước ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Còn ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP Import Export B.V.Hà Lan cho rằng, theo kinh nghiệm xuất khẩu của DN nhiều năm qua, để nông sản Việt Nam cạnh tranh được với các nước cần phải xây dựng và bảo đảm được tính bền vững trong quy hoạch vùng trồng, nhân rộng các mô hình HTX, mô hình các vùng trồng đạt chuẩn, đầy đủ chứng chỉ Global GAP để sản lượng hàng năm đạt sản lượng cao và ổn định hơn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để sản phẩm có chất lượng đủ tốt, dù không đạt điểm 10 hoàn hảo và có giá cả phải chăng. Đó là mong muốn của các thị trường nhập khẩu hàng hóa.

Chia sẻ khó khăn với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, sẽ đối mặt nhiều khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến đến vận chuyển, cung ứng hàng hóa, quy cách, tiêu chuẩn hàng hóa từ sản xuất, truy xuất nguồn gốc, bảo quản… Vì vậy, trước mắt các địa phương khu vực Nam bộ và Tây Nguyên khẩn trương rà soát, xác định số lượng nông sản cần sự hỗ trợ để tiêu thụ. Đồng thời tạo điều kiện để DN, thương nhân thuận lợi trong việc luân chuyển hàng hóa lưu thông giữa các địa phương; tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường để kịp thời xử lý trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Đối với thị trường xuất khẩu, ngoài thị trường truyền thống, DN cần nắm bắt thời cơ để mở rộng thị trường mới như: Nam Á, Đông Á, châu Mỹ, châu Úc… Các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần hướng dẫn người dân bảm đảm an toàn dịch bệnh của sản phẩm từ khâu sản xuất đến thu hoạch, đóng gói vận chuyển đến thị trường, bảo đảm xuất xứ, truy xuất nguồn gốc hàng hóa; hỗ trợ các thủ tục để giúp DN giảm bớt các chi phí lưu kho bãi, logistics…; cung cấp các thông tin về quy cách, mẫu mã, thói quen của từng thị trường xuất khẩu. Có như vậy, trong tương lai xuất khẩu của Việt Nam không còn phụ thuộc vào một thị trường.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.