PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS:

Kéo dài cuộc sống với ARV

Thứ Năm, 07/04/2022, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Được tiếp cận, điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) sớm, tuân thủ tốt, không chỉ giúp người nhiễm HIV cải thiện sức khỏe, tuổi thọ, mà còn giảm lây nhiễm cho người khác. Bên cạnh đó, đa số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đều đã được tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19, nên yên tâm trong điều trị.

Bác sĩ Khương Văn Bình, Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhân HIV.
Bác sĩ Khương Văn Bình, Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhân HIV.

Tuân thủ điều trị​

Đều đặn hàng tháng, anh V.V.Đ (SN 1977, ngụ Bacu, phường 4, TP. Vũng Tàu) đến nhận thuốc điều trị ARV tại Khoa Khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện Vũng Tàu. Anh Đ. nhiễm HIV năm 2003, đến năm 2004, anh bắt đầu sử dụng thuốc ARV và tuân thủ điều trị nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Nhờ đó, đến nay anh Đ. vẫn sống khỏe mạnh, có ích. “Suốt 19 năm qua, tôi không bỏ thuốc ngày nào, kể cả trong thời kỳ giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Đến nay, tôi cũng đã tiêm đủ 3 mũi phòng COVID-19 nên rất yên tâm”, anh Đ. nói.

Anh Đ. chia sẻ thêm, mặc dù bị nhiễm HIV nhưng anh hài lòng với cuộc sống hiện tại. Từ năm 2013, anh Đ. đã đoạn tuyệt với ma túy để bắt đầu lại cuộc sống lương thiện. Anh xoay sang làm nghề lái taxi mưu sinh và lấy vợ. Hạnh phúc muộn màng, nhưng đã đơm trái ngọt khi vợ anh sinh ra con trai khỏe mạnh, không bị lây nhiễm HIV - kết quả đó nhờ vào việc cả hai vợ chồng tuân thủ hướng dẫn phòng lây truyền HIV cho con.

Hơn 20 năm, chị L.T.B.V. (SN 1982, ngụ TP. Vũng Tàu) “sống chung” cùng căn bệnh HIV. Chị V. bày tỏ, ngày chồng mất vì căn bệnh AIDS thì chị nhận được tin mình đã bị lây nhiễm. Con gái nhỏ vừa sinh cũng bị lây truyền căn bệnh thế kỷ. “Tôi suy sụp, không biết bấu víu vào đâu. May thay, nhờ sự hướng dẫn của bác sĩ, tôi sử dụng thuốc ARV và đến nay cả hai mẹ con vẫn khỏe mạnh. Sau này, tôi có người thương, lại đi bước nữa và vô cùng may mắn là 2 con đều được điều trị dự phòng HIV, nên không bị lây nhiễm HIV. Do vậy, tôi càng tin tưởng, vui sống, tuân thủ điều trị để tăng cơ hội sống chăm sóc các con trưởng thành”, chị V. nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp may mắn như anh Đ. và chị V. Nhiều người khi biết mình nhiễm bệnh đã chán nản, không uống thuốc đều đặn, đúng giờ, khiến thuốc có tác dụng không cao, không khống chế được hàm lượng virus HIV trong cơ thể, nên vẫn dễ dàng lây nhiễm cho bạn tình, làm gia tăng tỷ lệ người nhiễm HIV trên địa bàn.

Năm 2021, BR-VT đạt các mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS - Việt Nam. Cụ thể 3.043/3192 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình (đạt 95%); 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV); 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp (dưới 1.000 bản sao/ml). 100% các huyện, thị xã, thành phố đã được giám sát, kiểm tra định kỳ theo tháng, quý. Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia sử dụng thẻ BHYT tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS đạt 94%.

3.043 người nhiễm HIV khỏe mạnh

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV đã giúp 3.043 người nhiễm HIV trong tỉnh tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con và giúp người bệnh vẫn khỏe mạnh, lao động bình thường.

Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến các hoạt động của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ tư vấn xét nghiệm đến điều trị và điều trị dự phòng. Nhiều bệnh nhân HIV/AIDS ở khu phong tỏa, cách ly không thể đến nhận thuốc theo lịch hẹn. Các phòng khám phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh phải cử tình nguyện viên mang thuốc tận nơi cho người bệnh. Đồng thời, phối hợp với y tế cơ sở để thăm khám, theo dõi và nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng và đủ liều. Đối với những bệnh nhân HIV nhiễm COVID-19 cũng được theo dõi sức khỏe sát sao. Theo đó, không có trường hợp bệnh nhân HIV mắc COVID-19 diễn tiến nặng.

Những năm gần đây, đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi mạnh. Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Vì vậy, việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm cho nồng độ virus trong máu của bệnh nhân đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai như: xét nghiệm tầm soát nhanh, dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và kiểm soát HIV/AIDS tận cơ sở. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới, trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS giảm so với năm trước.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và tuân thủ tốt sẽ có tuổi thọ không thua kém người bình thường. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS, giảm mắc các nhiễm trùng cơ hội và tử vong ở người nhiễm HIV, đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh lao. Vì thế, ARV cứu sống người nhiễm HIV, giúp họ sống lâu hơn và khỏe hơn, giảm chi phí điều trị.

“Năm 2022, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND tỉnh về thực hiện “Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”; duy trì và củng cố đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS tại tuyến huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, nhằm phát hiện, chuyển gửi, tư vấn hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thân thiện với bệnh nhân và cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Duy Minh cho hay.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.