.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CÁC DỊCH BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CÁC LOẠI VIRUS GÂY NÊN

Cập nhật: 08:33, 20/08/2004 (GMT+7)
Phát quang bụi rậm, không cho muỗi trú - Phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

DỊCH SARS VÀ 4 BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus (SARS) nguy hiểm ở chỗ nó lây trực tiếp từ người sang người và đường lây chủ yếu là qua đường hô hấp và niêm mạc mắt, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Cho đến nay dịch bệnh do virus SARS gây nên vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ bao vây, dập dịch kịp thời là khâu quan trọng có tính quyết định trong công tác phòng chống dịch.

Với phương châm chủ động phòng chống dịch, mọi người cần biết 4 biện pháp phòng chống dịch SARS, cụ thể như sau:

1. Vệ sinh cá nhân: Bảo đảm vệ sinh hàng ngày; Sử dụng thuốc sát khuẩn đường mũi họng như: súc miệng bằng nước sát khuẩn hoặc dung dịch nước tỏi hàng ngày.

2. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo, rửa tay bằng xà bông; Hạn chế tới những khu vực có dịch.

3. Biện pháp tăng cường sức khoẻ: Tăng cường sức khoẻ bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể.

4. Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp như: Sốt trên 38oC; Đau mỏi cơ, đau đầu; Ho, tức ngực, khó thở…; Cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

VIÊM PHỔI DO VIRUS VÀ 4 BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/ AIDS – Bộ Y tế thông báo, hiện nay dịch viêm phổi do virus đã trở lại. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm do virus H5N1 gây nên có khả năng lây trực tiếp từ gia cầm bị bệnh sang người. Trước tình hình đó, Thủ tướng chính phủ đã có công điện hoả tốc ngày 12-8-2004 yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm; Các bộ trưởng; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng thú y, y tế phối hợp với các ngành có liên quan, chính quyền cơ sở và các đoàn thể tiến hành ngay các biện pháp kiểm tra, giám sát đến tận xã, thôn, ấp tình hình dịch cúm gia cầm và bệnh cúm ở người. Đây là dịch bệnh tối nguy hiểm và nguy cơ bùng phát là rất lớn. Vì vậy, để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người, mọi người cần thực hiện tốt 4 biện pháp sau:

1. Các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn lây lan.

2. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm.

3. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm bị bệnh cần phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời.

4. Dùng Chloramin B và các chất khử  mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân; tăng cường sức khoẻ bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. Vì sức khoẻ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng, mọi người hãy tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

BS. Nguyễn Văn Lên

.
.
.