.

KỸ THUẬT NUÔI CÁ TRA THƯƠNG PHẨM ĐẠT TIÊU CHUẨN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Cập nhật: 08:43, 27/08/2004 (GMT+7)

Chuẩn bị ao để nuôi cá tra thương phẩm. Ảnh: Thu Phong

Cá tra là loài cá nước ngọt có thể sống được với mật độ rất cao, có khả năng thích nghi với môi trường sống tốt, tỷ lệ sống cao và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên ngoài đạt tiêu chuẩn về kích cỡ, để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng khi bán cá ra thị trường trong và ngoài nước, người nuôi cần hiểu biết để nuôi làm sao cho cá đạt được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo yêu cầu của một số bà con ngư dân, chuyên mục Khuyến ngư kỳ này xin giới thiệu đến bạn đọc kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

YÊU CẦU VỀ AO NUÔI VÀ MÔI TRƯỜNG NƯỚC:

Ao nuôi nên ở gần nguồn nước sạch để chủ động lấy, thay nước. Ao nên có dạng hình chữ nhật, đáy bằng phẳng và nghiêng dần về phía cống thoát, bờ cao, chắc chắn, không bị rò rỉ, không bị cớm rợp vào bảo đảm mặt ao được thông thoáng.

Diện tích ao tốt nhất là từ 500m2 trở lên, độ sâu trung bình của nước ao 2,5 - 3m. Cống cấp và thoát có kích cỡ phù hợp thuận tiện cho việc cấp thoát nước dễ dàng, tiện lợi cho việc chăm sóc bảo vệ.

Các yếu tố môi trường thích hợp:

- Nhiệt độ : 26 – 30oC

- Oxy : Từ 3mg/lít trở lên

- pH : 7 - 8

- NH4 : Từ 1mg/lít  trở xuống

- Độ trong: 20 – 40cm

CHUẨN BỊ AO:

- Ao tháo cạn nước, vét bớt bùn đáy trừ lại khoảng 10cm. Bùn đáy sau khi vét đổ cách xa bờ ao tránh hiện tượng khi trời mưa rửa trôi bùn trở lại ao.

- Bón vôi cho đáy ao và xung quanh bờ ao với lượng vôi 7 – 10kg/100m2.

- Phơi ao 3 – 5 ngày để vôi phát huy hết tác dụng ( tăng pH đáy, diệt khuẩn) thì tiến hành lấy nước vào ao.

- Lấy nước vào ao qua lưới lọc hạn chế cá tạp, cá dữ vào ao.

- Gây màu nước: Màu nước ao có tác dụng tránh sốc cho cá khi mới thả, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, bảo đảm lượng oxy cho ao nuôi. Để gây màu nước cho ao nuôi có thể dùng phân vô cơ, phân hữu cơ hoặc phân xanh.

 Liều lượng dùng:

 + Phân vô cơ: 1 – 3kg/ 1000 m3 nước ao (tỷ lệ Urê 1: 2NPK )

+ Phân xanh: 15 – 20kg/1000 m3 nước.

+ Phân chuồng ủ hoai: 10 - 15kg / 1000 m3 nước.

Hoặc dùng kết hợp các loại phân khác nhau để giảm chi phí và giữ được màu nước lâu hơn.

- Bón phân liên tục 3 – 5 ngày đến khi nước có màu đẹp (như lá chuối non hoặc màu xanh vỏ đậu xanh) độ trong nằm trong khoảng 20 – 40cm thì thả giống được.

CHỌN GIỐNG:

Giống cá thả nên chọn cá khoẻ mạnh, đồng đều, không bị dị dạng, không bị trầy xước, nhanh nhẹn, phản ứng tốt với các tác động xung quanh.

Trước khi thả cá cân bằng nhiệt độ trong ao và trong bao đựng cá tránh sốc khi thả cá xuống ao bằng cách ngâm bao đựng cá xuống ao khoảng 15 – 30 phút. Tắm qua cho cá bằng nước muối 2 - 3% từ 5 – 10 phút nhằm loại bỏ nấm, ký sinh trùng trên cá.

4. Mật độ nuôi, kích cỡ cá giống:

Mật độ thả giống:

+ Ao hồ nhỏ nước từ: 15 – 20 con/m2.

  + Ao thay nước liên tục: 20 - 30 con/m2

  + Ao sử dụng chế phẩm sinh học, sục khí : 25 – 30 con/m2

Kích cỡ cá giống: 10 – 12cm (15g – 17g/con)

CHẾ ĐỘ CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ

Thức ăn:

a) Thức ăn tự nhiên: Gây màu nước thật tốt theo đúng quy trình trước khi thả cá.

b) Thức ăn tự chế biến: có thể dùng nhiều loại có sẵn ở địa phương như: cám, tấm, bột bắp, bột mì, mầm lúa, hèm rượu, chế phẩm của nhà máy đông lạnh (tôm, cá), phụ phế phẩm nông nghiệp, hay thức ăn công nghiệp… Các loại thức ăn cần được trộn đều nấu chín vắt thành cục rải xuống ao cho cá ăn, khẩu phần ăn theo giai đoạn phát triển của cá.

c) Thức ăn viên công nghiệp là thức ăn khô ép viên do các nhà máy chế biến thức ăn sản xuất. Sử dụng thức ăn công nghiệp thì việc vận chuyển thức ăn, bảo quản thức ăn dễ dàng, ít tốn công lao động cho khâu chế biến thức ăn, bảo đảm được vệ sinh môi trường và cá tăng trưởng nhanh hơn.

Thức ăn được chia đều thành 2 phần, buổi sáng cho ăn lúc 7 – 9h, buổi chiều cho ăn lúc 17 – 18h. Cần cho ăn đúng giờ để tạo phản xạ tự nhiên cho cá.

Thức ăn sử dụng cho cá không được ôi thiu, nhiễm nấm mốc, các nguyên liệu phối chế thức ăn không được chứa các loại kháng sinh đã bị cấm hay hạn chế sử dụng. Hàng ngày cần vệ sinh sạch sẽ nơi chế biến thức ăn và dụng cụ cho ăn.

Thay nước:

Thường xuyên quan sát mực nước trong ao để điều chỉnh cho đủ theo quy định. Giai đoạn đầu chu kỳ nuôi duy trì màu xanh của ao để tạo thêm thức ăn tự nhiên cho cá bằng cách bón phân. Giai đoạn cá lớn cần theo dõi thời tiết khí hậu, đặc biệt những hôm thời tiết thay đổi cần có biện pháp cấp thêm nước hoặc thay nước để hạn chế cá nổi đầu.

 Khi nước ao quá bẩn, mỗi lần thay từ 1/3 – 2/3 lượng nước trong ao qua cống .

- Sau khi thay nước phải tiến hành bón vôi cho ao với liều lượng 5 -7 kg/100m2 nhằm phòng bệnh.

Thanh Nguyên
(Theo tư liệu của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh BR–VT)

.
.
.