Dừng thu cước viễn thông, truyền hình trực tiếp nhưng không cắt dịch vụ

Thứ Bảy, 04/09/2021, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là chỉ đạo của ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT tại cuộc họp trực tuyến giữa Sở TT-TT với các DN cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình và chuyển phát nhanh trên địa bàn tỉnh vào chiều 4/9. Cuộc họp được tổ chức khẩn cấp trước thông tin ngày 2/9 có một nhân viên thu cước truyền hình tại nhà là F1.

Ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Vũng Tàu làm việc với SCTV chi nhánh Vũng Tàu tại trụ sở của Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Vũng Tàu.
Ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Vũng Tàu làm việc với SCTV chi nhánh Vũng Tàu tại trụ sở của Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Vũng Tàu.

Theo báo cáo của các DN viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VTV cap, HTV cap… tại cuộc họp, đa số các DN này đã ngưng thu phí dịch vụ tại nhà từ cuối tháng 7 và chuyển sang hình thức thu gián tiếp hoặc chậm thu. Riêng truyền hình cáp SCTV thuộc Công ty Truyền hình cáp Saigontourist - Chi nhánh tại Vũng Tàu và một số lượng nhỏ khách hàng của FPT vẫn thực hiện thu phí dịch vụ tại nhà. Phương pháp thu phí trực tiếp tại nhà dẫn đến sự việc ngày 2/9, nhân viên D.X. D của SCTV có kết quả test nhanh dương tính. Mặc dù đã qua 1 lần xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính nhưng việc nhân viên truyền hình cáp đi thu tiền cước dịch vụ tại nhà trong thời gian BR-VT thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang khiến nhiều người lo ngại khi người nhà của anh này đã là F0.

Trước đó, ngay trong sáng 4/9, ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng VH-TT TP. Vũng Tàu đã đã có buổi làm việc với Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) - Chi nhánh tại Vũng Tàu để đối chiếu các quy định, làm rõ vụ việc nhân viên công ty này đi thu cước trên địa bàn phường 2 và phường 8 trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Tại buổi làm việc với Phòng VH-TT TP. Vũng Tàu, ông Mai Nguyễn Hồ Trần Thi Khanh, Phó Giám đốc SCTV Chi nhánh tại Vũng Tàu cho biết, mặc dù việc thu cước đã được phun xịt khử khuẩn hóa đơn, chứng từ có liên quan trước khi gửi cho khách hàng, tuy nhiên để xảy ra sự việc của anh D. là rất đáng tiếc. Tuy nhiên, việc nhân viên công ty đi thu cước là đúng theo tinh thần Công văn 1444/STTT-VTCNTT ngày 24/8 và công văn hỏa tốc 1479/STTT-VTCNTT mà Sở TT-TT đã ký ngày 30/8. Theo đó, cả 2 công văn trên, Sở TT-TT đều cho phép “các DN linh hoạt trong việc thu cước dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp của người dân bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp hoặc hình thức khác cho phù hợp, hạn chế ngưng cung cấp dịch vụ vì lý do người dân chưa kịp thời thanh toán cước dịch vụ”.

Qua tìm hiểu cho thấy, trong công văn khẩn 1479/STTT-VTCNTT ngày 30/8 có nội dung đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho nhân viên, đội ngũ kỹ sư của các DN bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp (có danh sách) được phép di chuyển, ra - vào tại các khu vực cách ly, cơ sở cách ly, khu vực phong toả, khu vực vùng xanh, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát chống dịch để cung cấp, thanh toán cước dịch vụ, khắc phục sự cố hạ tầng mạng lưới bưu chính viễn thông, truyền hình cáp nhằm bảo đảm thông tin, dịch vụ cho người dân, DN không bị gián đoạn.

Trao đổi với phóng viên Báo BR-VT sáng 4/9, ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT-TT thừa nhận, mặc dù tinh thần của Sở là chỉ đề nghị các địa phương tạo điều kiện để nhân viên viễn thông, truyền hình cáp khắc phục sự cố khi hư hỏng để bảo đảm nhu cầu liên lạc, sử dụng dịch vụ truyền hình của người dân. Tuy nhiên, văn bản 1479/STTT-VTCNTT đã sơ suất khi vẫn cho phép các trường hợp nhân viên truyền hình cáp thu tiền cước phí chưa thật sự cần thiết trong điều kiện tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Do đó, ngày 3/9, Sở TT-TT đã có văn bản khẩn số 1530/STTTT-VTCNTT để thay thế 2 văn bản ban hành ngày 24/8 và 30/8. Theo đó, yêu cầu các DN linh hoạt trong việc thu cước dịch vụ của người dân bằng hình thức trực tuyến, gia hạn hoặc chậm thu, hạn chế việc ngưng cung cấp dịch vụ vì lý do chưa kịp thanh toán cước theo quy định. Người đứng đầu DN chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại DN mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động. Trường hợp không bảo đảm yêu cầu trên thì tạm dừng hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan do chủ quan của DN, người lao động.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Kết luận tại cuộc họp trực tuyến chiều 4/9, ông Lê Văn Tuấn khẳng định, các dịch vụ bưu chính, viễn thông, truyền hình cáp trong thời điểm dịch bệnh này là thiết yếu, góp phần bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt trong mùa dịch. Tuy nhiên, các DN phải thực hiện các quy định phòng chống dịch trong hoạt động sản xuất, ứng cứu, xử lý thông tin trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16 trên tinh thần “sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết”. Ông Tuấn cũng yêu cầu các DN bưu chính, viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh tạm dừng việc thu cước phí dịch vụ tại nhà khách hàng mà chuyển sang hình thức thu gián tiếp qua thẻ nạp, qua ngân hàng hoặc các dịch vụ tiện ích khác. Trường hợp, khách hàng không đáp ứng được các hình thức thu gián tiếp thì DN cũng không được cắt dịch vụ của khách hàng đang sử dụng, mà chuyển sang hình thức lùi thời gian thu, chậm thu. 

 

 

;
.