Khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế

Thứ Sáu, 03/09/2021, 22:55 [GMT+7]
In bài này
.

Trải qua 46 năm hình thành và phát triển, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra,  khẳng định là vai trò trụ cột của nền kinh tế đất nước. Và trong chừng ấy năm, tập thể người lao động PVN vẫn  luôn miệt mài cống hiến cho sứ mệnh “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc”.

Toàn cảnh mỏ Bạch Hổ.
Toàn cảnh mỏ Bạch Hổ.

Điểm sáng trong  bức tranh kinh tế

Năm 1986,  ngành dầu khí đánh dấu mốc son cho sự đổi thay khi mỏ dầu Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam cho ra đời những tấn dầu thô thương mại đầu tiên. Sự kiện này đã ghi danh Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí thế giới.

Từ những tấn dầu đầu tiên đó, ngay cả trong giai đoạn khó khăn, thách thức nhất của ngành công nghiệp dầu khí thế giới nói chung và với PVN nói riêng, PVN vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.  Hàng năm, nộp NSNN chiếm tỷ trọng 9 - 11% tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương, đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm từ 10 - 13%. Đặc biệt, PVN đã duy trì khai thác an toàn, ổn định, hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí quý giá của đất nước.

Theo Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, từ đầu năm 2020 đến nay được xem là khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của PVN. Bởi PVN phải chịu tác động nặng nề từ “khủng hoảng kép” do giá dầu sụt giảm nghiêm trọng và đại dịch COVID-19 diễn biến  phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt mặt hoạt động. Tuy nhiên, nhờ triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch, ứng phó khẩn cấp những tính huống có thể xảy ra nên PVN vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu  nhiệm vụ  đề ra. Năm 2020, tổng  lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17,5 ngàn tỷ đồng, là một trong số rất ít tập đoàn dầu khí trên giới làm ăn có lãi. Từ đầu năm 2021 đến nay, PVN tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế đất nước khi vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát huy kinh nghiệm, hiệu quả trong quản trị điều hành, đón bắt cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế thế giới để khắc phục khó khăn, bảo vệ mục tiêu tăng trưởng. Tính đến đầu tháng 8/2021, tổng doanh thu toàn PVN  đạt 347,8 ngàn tỷ đồng, tăng 25%; Lợi nhuận trước thuế 27,1 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái;  Nộp ngân sách Nhà nước 50,9 ngàn tỷ đồng, tăng 32%.

Năm 1975, ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chỉ trong vòng 43 ngày kể từ khi Bộ Chính trị họp quyết định chủ trương, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, tiền thân của PVN ngày nay đã được thành lập. Trong Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị về ngành Dầu khí (Nghị quyết 244/NQ-TW) đã nêu quyết tâm chính trị mạnh mẽ và đúng đắn: “Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…”. Việc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời đã đưa ngành Dầu khí bước sang một trang mới, mở đầu cho công cuộc xây dựng và phát triển PVN  trở thành Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.

Chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng

Là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, PVN luôn ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Trong nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội luôn được tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên PVN quan tâm, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của những người lao động dầu khí. Đây cũng chính là một trong những nét văn hoá đặc trưng của PVN.

Trong 2 năm gần đây, PVN  đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội ý nghĩa, thiết thực với tổng chi phí 650 tỷ đồng. Ngoài ra, do đại dịch COVID-19 bùng phát từ năm 2020 đến hết tháng 8/2021, PVN và các đơn vị thành viên đã chung tay cùng cả nước chống dịch với tổng kinh phí hỗ trợ trên 700 tỷ đồng thông qua việc hỗ trợ phương tiện, thiết bị, vật tư y tế góp phần bảo vệ tính mạng của nhân dân và đóng góp Quỹ vắc xin và phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ và các tỉnh, thành…

Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) là một trong những đơn vị được đánh giá đã có đóng góp rất lớn vào quỹ an sinh xã hội và quỹ vắc xin trong thời gian qua. Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng giám đốc PV GAS cho biết, từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam năm 2020 đến nay, PV GAS đã ủng hộ 173 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin và phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia và hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch tại các bệnh viện, các chương trình của nhiều địa phương trên cả nước. Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, PV GAS cũng đã ủng hộ 10 tỷ đồng mua vắc xin phòng chống dịch. Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro, gần 2 năm qua cũng đã ủng hộ hơn 55 tỷ đồng cho quỹ vắc xin, hỗ trợ các địa phương và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch trên cả nước, trong đó ủng hộ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu 10 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch COVID -19 cũng được các đơn vị thành viên của PVN tích cực triển khai như: ủng hộ 1 ngày lương cùng toàn ngành Dầu khí vì công cuộc phòng chống đại dịch; ủng hộ Quỹ vắc xin – Phòng chống dịch qua nhắn tin điện thoại, nộp tiền cho các tổ chức địa phương, tổ chức xã hội nhân đạo; hỗ trợ lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch…

Những đóng góp của  PVN và các đơn vị thành viên đã phần nào giảm bớt đi “gánh nặng” cho Chính phủ, đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị tuyến đầu cũng như các địa phương có thêm động lực vượt qua khó khăn thách thức trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

PHAN HÀ

 

;
.