EU muốn duy trì biên giới mở để lưu thông hàng hóa

Thứ Sáu, 27/03/2020, 23:33 [GMT+7]
In bài này
.

* Anh phát động chương trình can thiệp kinh tế lớn nhất lịch sử

Ngày 27/3, sau cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, EU ủng hộ duy trì biên giới mở để hàng hóa tiếp tục được lưu thông và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu vắc xin chống lại virus SARS-CoV-2.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Charles Michel.

Tại cuộc họp báo, ông Charles Michel nhấn mạnh, châu Âu ưu tiên hạn chế việc đi lại không cần thiết của người dân, nhưng đồng thời nỗ lực bảo đảm dòng lưu chuyển hàng hóa, bởi điều này là rất quan trọng để tránh tình trạng thiếu hụt và giúp bảo vệ tối đa thị trường chung châu Âu.

Ông cho biết, các lãnh đạo EU nhất trí làm mọi thứ có thể để hỗ trợ công tác nghiên cứu, phối hợp các nỗ lực và tìm kiếm sự hợp tác trong cộng đồng khoa học để tối đa hóa tiềm năng nghiên cứu trên toàn EU.

Đại dịch COVID-19 tạo ra một thách thức chưa từng có đối với châu Âu và toàn thế giới. Tình hình đòi hỏi phải có những hành động khẩn cấp, quyết đoán và toàn diện cả ở cấp EU, các quốc gia, khu vực và địa phương.

Các nhà lãnh đạo EU tái khẳng định sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo vệ công dân và vượt qua khủng hoảng, đồng thời nhất quán bảo tồn các giá trị và lối sống châu Âu. Thống nhất kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) tăng tốc các nỗ lực giúp bảo đảm cung ứng khẩn cấp và đầy đủ các thiết bị y tế trên toàn EU và coi đây là ưu tiên cấp thiết nhất.

Hội nghị kêu gọi các quốc gia thành viên hợp tác chặt chẽ cùng nhau và cung cấp cho EC các dữ liệu đáng tin cậy nhất một cách kịp thời. Lãnh đạo các nước EU thừa nhận mức độ nghiêm trọng về kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng COVID-19 và cam kết làm mọi điều cần thiết để đối phó với thách thức chung trên tinh thần đoàn kết.

Họ cũng tuyên bố ủng hộ hành động kiên quyết của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm bảo đảm các điều kiện về tài chính để hỗ trợ tất cả các quốc gia thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone).

Hội nghị yêu cầu Eurogroup trình bày trong vòng 2 tuần tới các đề xuất về kế hoạch phản ứng chung để đối phó với khủng hoảng. Những đề xuất này cần tính đến bản chất chưa từng có của cú sốc COVID-19 đang làm ảnh hưởng đến mọi quốc gia thành viên. Các nhà lãnh đạo cũng thống nhất sẽ sử dụng các công cụ của EU để hỗ trợ cho các quốc gia thành viên trong phạm vi cần thiết. EC đề xuất sáng kiến đầu tư ứng phó với COVID-19 với gói 37 tỷ euro đầu tư theo chính sách gắn kết để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng.

Cũng tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo thống nhất tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ hồi hương công dân EU bị mắc kẹt ở các nước thứ ba muốn về nhà với sự trợ giúp tích cực của Cơ quan đối ngoại EU và Ủy ban châu Âu.

 Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ngày 27/3 cho rằng, Anh đã phát động chương trình can thiệp kinh tế lớn bậc nhất trong lịch nhà nước Anh cũng như đối với bất cứ chính phủ nào trên thế giới.

Ông Sunak cảnh báo những thách thức sẽ tiếp tục xảy ra với Anh trong thời gian tới bất chấp những can thiệp của ngân hàng và chính phủ.

Nhận định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak công bố gói hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ trả tiền cho những người lao động tự do bị ảnh hưởng thu nhập bởi lệnh phong tỏa của chính phủ.

Việc công bố gói hỗ trợ cho những người lao động tự do được cho là một trong những biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Anh.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak công bố chính sách hỗ trợ lương tương tự cho những người lao động Anh có nguy cơ bị mất việc do chủ thuê muốn giảm bớt gánh nặng trả lương trong bối cảnh chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa. Những lao động tự do sẽ được chính phủ trả mức tương đương như mức áp dụng cho những người lao động đi làm thuê khác, với mức trần lên tới 2.500 bảng Anh/tháng.

Chính sách hỗ trợ này được áp dụng từ nay cho đến giữa tháng 6/2020. Bộ trưởng Tài chính Sunak cho hay các chính sách hỗ trợ lương của chính phủ cho các lao động tự do và lao động làm thuê là nhằm bảo đảm việc làm cho 80% người lao động Anh.

Song song với các gói hỗ trợ tiền lương, Chính phủ Anh và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tung ra hàng loạt biện pháp nhằm giảm bớt tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế Anh, như 2 lần cắt giảm lãi suất trong tháng này và mở rộng mạnh mẽ chương trình mua trái phiếu.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

;
.