Cưới nhau chưa phải là xong

Thứ Sáu, 28/09/2018, 15:35 [GMT+7]
In bài này
.
Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Dấu hiệu thăng hoa của tình yêu, dễ nhận ra nhất là đến một thời điểm nào đó, cả hai đều muốn được sống chung, được thuộc về nhau. Dẫu lúc ấy gặp bất kỳ trở ngại nào, họ cũng có thể nắm tay song ca hào hứng: “Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay”. 

Tuy nhiên, nhiều người đàn ông quan niệm, cuộc trường kỳ “chinh phục” đã kết thúc. Đã qua rồi những thử thách gian nan từ thời gian, sức khỏe đến tài chính... Từ đây, đêm đêm có quyền gối đầu ngủ ngon, ngáy khò khò, không còn phải lo nghĩ gì nhiều nữa. Về phía gia tộc họ hàng, bạn bè thì mình đã thực hiện chu tất những nghi lễ theo đúng bài bản; về phía pháp luật mình đã có tờ giấy kết hôn với mộc son đỏ chói. Nói gì thì nói, người đó đã là của mình. Vậy còn gì phải lo lắng nữa?

Trong khi đó, với người phụ nữ thì sao? Sự trao thân hoặc chính thức ngón áp út đeo nhẫn cưới là bước đầu một hành trình lâu dài. Sự bắt đầu ấy đánh dấu ở nghĩa vụ thiêng liêng sinh con đẻ cái, lo toan mái ấm, là hậu phương vững chắc, là chốn trở về, nơi trú ẩn bình yên của người chồng. Dù có giỏi giang hoặc hèn kém, vụng về thì mình cũng đã là vợ, là dâu con trong nhà người ta. Nói gì thì nói, người đó đã là của mình. Vậy còn gì phải lo lắng nữa?

Rõ ràng, cả hai suy nghĩ ấy có tâm thế giống nhau. Thế nhưng, nếu không tỉnh táo, không điều chỉnh ắt có ngày “chip điều hành” của cuộc sống gia đình sẽ bị lỗi, thậm chí… chết toi. 

Ngày trước, mỗi lần sinh nhật hoặc ngày cưới không cần nhắc nhở, chàng/nàng cũng đều có những cử chỉ quan tâm lẫn nhau. Đôi khi chỉ một bó hoa, một tin nhắn âu yếm chúc mừng, một vài tiếng đồng hồ dành cho nhau thì người kia đã tràn ngập hạnh phúc, phơi phới yêu đời. Nay thì khác hẳn, có gặng hỏi, người kia lại ngơ ngác như từ trên trời rơi xuống: “Ủa, ngày gì vậy ta?”. 

Ngày trước, bất kỳ cái gì trong nhà hư hỏng từ đứt dây điện thoại đến ống cống nghẹt, chàng đều ra tay ngay lập tức, vừa sốt sắng, vừa có trách nhiệm. Thử hỏi, một người như thế, ai mà không thương? Nay, chớ mà mong. Bởi vậy mới có chuyện rằng, đang bù khú với bạn bè, “dế” reo ầm ĩ: “Anh ơi, ống nước nhà mình bị hư. Nước đổ lênh láng ra sàn nhà, anh về sửa gấp!”. “Anh đang làm việc. Anh không phải thợ sửa ống nước”. Lúc khác lại: “Anh ơi, máy giặt vừa bị hư, anh về sửa gấp!”. “Anh đang làm việc. Anh không phải thợ sửa máy giặt”. Lúc sau, nàng lại réo: “Anh ơi, bàn ủi bị hư, anh về sửa gấp!”. Bực quá, chàng quát lớn: “Tôi đang làm việc. Tôi không phải thợ sửa bàn ủi”. Rồi gác chân ung dung… nhậu tiếp. 

Lúc về đến nhà, mọi thứ hư hỏng đều “ngon lành”, lạ chưa? Nàng nguýt: “Em gọi thợ đến sửa đó!”. “Thợ đòi tiền công có mắc không?”. “Không! Hắn ta chỉ nói, hoặc cô cho tôi vui vẻ một chút hoặc cô nấu cho tôi bữa ăn ngon”. Chàng bèn hỏi tới tấp: “Vậy em nấu cơm cho hắn hả?”. Câu trả lời như thế nào? Rằng: “Bộ anh tưởng tôi là đầu bếp đấy à?”. Chuyện này là chuyện hài, nhưng có thể đúng về bản chất của những sự việc tương tự khiến mái ấm lung lay như gặp cơn bão lớn. 

Thế nhưng tại sao có những lứa đôi hạnh phúc, sung sướng, hài lòng về nhau đến trọn một đời? Thậm chí, họ còn ước ao nếu có kiếp sau xin được tiếp tục “cây liền cánh, chim liền cành”. Họ có “bí kíp” gì? 

Câu trả lời duy nhất, cả hai luôn tự ý thức: “Tương kính như tân”. Lời dặn dò ấy tưởng dễ mà khó và ngược lại. Dễ, vì cả hai biết rằng, hoa trái hôn nhân không thể nẩy nở, xanh chồi nếu họ không giữ được cách cư xử, quan tâm như “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Khó, vì nếu không thật lòng, không tự giác, chẳng ai có thể “diễn” mãi một đời. Rõ ràng, phải từ nỗ lực và tự điều chỉnh của cả hai phía. 

Đời sống gia đình khác lúc đang yêu nhiều lắm. Nói một cách bóng bẩy, đó là lúc cả hai cùng đi trên môt sợi dây mỏng manh, căng từ đầu chặng đường này cho đến cuối chặng đường nọ. Nếu biết tựa vào nhau, tựa vào điểm tựa “tương kính như tân”, họ có thể giữ vững được thăng bằng và hân hoan, vui sống đến trọn đời. Còn không, biết đâu sẽ có một kết thúc khác. 

LÊ MINH QUỐC

;
.