Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình

Thứ Sáu, 02/10/2020, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Không khó để bắt gặp những học hàm GS (giáo sư), PGS (phó giáo sư) và học vị TS (tiến sĩ), ThS (thạc sĩ) được đính kèm theo cái tên của tác giả bài viết trên báo. Hay trên truyền hình, lắm lúc khán giả muốn hụt hơi theo khi nghe biên tập viên đọc một lô một lốc học hàm, học vị, chức vụ của cá nhân nào đó. Dù rất dài dòng nhưng phải đọc hết vì nếu không sẽ làm các vị… buồn (thậm chí giận). Mà ngộ ở chỗ, đôi khi những bài trên báo in chỉ có vài dòng, hoặc bài viết không liên quan đến học hàm, học vị nhưng vẫn phải ghi đầy đủ rất chi là thừa thãi. Còn có vị tiến sĩ, chỉ tham gia một chương trình giải trí trên truyền hình thôi nhưng MC phải lập đi lặp lại từ đó nhiều lần.

Điều đó chứng tỏ, suốt một quãng thời gian dài học tập, không ít người muốn lấy cái danh ấy để đi khoe mẻ. Trong khi ngay từ nhỏ ngồi ghế nhà trường, học trò luôn được thầy cô giáo dục rằng: “Học để có kiến thức, giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội”. Chẳng  thầy cô nào hướng học trò đi đến đỉnh cao tri thức là để lòe thiên hạ. Như nhà giáo lão thành Văn Như Cương cũng đã nhận định về sự hiếu học trong xã hội ngày nay: “Hiếu học để có danh hão. Giới thiệu đại biểu mà quên kèm giáo sư, tiến sĩ là rất phiền. Đây là háo danh chứ không phải là hiếu học. Đi học là để oai chứ không phải để cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức”.

Từ việc háo danh, sính danh mới dẫn đến cạnh tranh học hàm, học vị với nhau: Anh có bằng cấp thì tôi cũng phải có, nếu không sẽ thua thiệt, mất mặt. Tiếp đến là xảy ra tiêu cực, không học mà vẫn muốn có bằng cấp. Nhiều cán bộ ở một số địa phương chưa có bằng THCS nhưng lại có bằng cử nhân; chưa có bằng THPT lại có bằng cao học... mà báo chí đã đưa tin rất nhiều. Với tâm lý sính danh, đã kéo theo sự lãng phí tri thức có hệ thống: Học để hợp thức hóa công việc, học cho hơn người khác chứ không vì say mê, học để hưởng lương cao.... Thậm chí không đi học cũng vẫn có bằng cấp. Thành ra, dù nước ta có nhiều học hàm, học vị nhưng lại không có một phát minh, thành tựu nào cho nước nhà hay cho nhân loại.

Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy ấy. Trước tiên, cơ quan chủ quản cần quản lý chặt chẽ việc cấp bằng cho học viên và xử lý nghiêm với những hành vi tiêu cực. Kế đến, công tác tuyển dụng lao động ở cơ quan Nhà nước, ngoài việc cần bằng cấp chuyên môn thì cũng nên tìm kiếm người có năng lực. Không nên chú trọng quá nhiều vào bằng cấp khi năng lực quá kém. Chỉ có thế mới triệt tiêu nạn “Chưa học bò đã lo học chạy” và rộng cửa cho người tài. Như nhiều quốc gia trên thế giới, công dân họ chưa có bằng đại học nhưng vẫn làm việc trong chính phủ, các tập đoàn lớn và được trả lương rất cao (chẳng hạn như ở Pháp có đến 3 bộ trưởng chưa có bằng đại học). Tất nhiên học cao ai không hãnh diện, nhưng học phải có mục đích và chính đáng như tổ chức UNESCO đã đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

NGUYỄN HOÀNG DUY

;
.