.

Chỉnh trang khu vực ngã tư Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc): Cần làm nhanh hơn

Cập nhật: 14:35, 27/06/2018 (GMT+7)

Khu vực ngã tư Hồ Tràm (từ đường ven biển đến cuối Tỉnh lộ 328) một thời là điểm nóng về môi trường nhếch nhác do tình trạng buôn bán, tổ chức nấu nướng, ăn nhậu ngay trên bãi biển nay đang được huyện Xuyên Mộc chỉnh trang tươm tất hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh các địa phương trên toàn tỉnh đều nỗ lực tạo dựng môi trường vệ sinh sạch đẹp để thu hút khách du lịch, những đổi thay ở khu vực ngã tư Hồ Tràm còn khá chậm.

CHỢ CÁ VẪN HỌP CẠNH BÃI TẮM

Bãi tắm khu vực ngã tư Hồ Tràm đầy rác bên
Bãi tắm khu vực ngã tư Hồ Tràm đầy rác bên "chợ" hải sản di động sát mép nước.

Có mặt tại ngã tư Hồ Tràm vào 2 ngày đầu tuần này (25 và 26-6), chúng tôi ghi nhận, đoạn đường cuối Tỉnh lộ 328 (dài hơn 300) đã được huyện Xuyên Mộc cải tạo cảnh quan môi trường, trải bê tông mặt đường bằng phẳng, tháo dỡ tất cả các biển bảng, điểm buôn bán lấn chiếm lòng lề đường trả lại hè thông lề thoáng cho khách bộ hành. Nhờ vậy, dù đang mùa du lịch hè, lượng khách đổ về nhiều, nhưng ngày cũng như đêm, khu vực này không còn hiện tượng kẹt xe và buôn bán chiếm dụng lòng lề đường nữa.

Tuy nhiên, tiến sát xuống bãi biển, chúng tôi nhận thấy, việc buôn bán ở đây vẫn rất lộn xộn. Bãi biển khu vực này bị xâm thực mạnh nhiều năm qua nên diện tích rất hẹp. Ranh giới giữa khu buôn bán hải sản tươi sống, thức ăn đã chế biến chín và nhà mát đặt ghế bố cho khách nghỉ ngơi, ăn uống, tắm biển hoàn toàn không có. Một rẻo đất mỏng chiều ngang chưa tới 10m tính từ bờ biển trở vào vừa là lối đi cho xe máy, người đi bộ và hai bên các sạp bán trái cây, hải sản sống, chín đan xen. Bãi tắm khu vực này cũng nhỏ hẹp. Khi thủy triều xuống, mới lộ ra phần bãi chừng 20m tính từ mép nước, phần lớn diện tích đều được tận dụng kê ghế bố. Phần sát mép nước là “chợ” hải sản với đủ loại: ốc, mực, cá, cua, ghẹ, tôm… được chứa trong các thau, thùng. Người bán hải sản đến tận bàn chào mời khách. Khi khách mua sẽ được chế biến luộc, nướng, hấp theo yêu cầu và phục vụ tại chỗ. Những chậu nước sau khi dùng để rửa, luộc hải sản được người bán hắt xuống biển hoặc trên bãi cát.

Bãi tắm công cộng và bãi đậu xe vừa được huyện Xuyên Mộc thi công và đưa vào sử dụng đầu năm 2018.
Bãi tắm công cộng và bãi đậu xe vừa được huyện Xuyên Mộc thi công và đưa vào sử dụng đầu năm 2018.

Theo quan sát của chúng tôi, quanh khu vực ghế bố đều đặt nhiều sọt rác nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng vỏ cua ghẹ, sò ốc vương vãi trên mặt cát. Lại thêm hộp xốp, bao nilon nổi lềnh bềnh mỗi khi có sóng ập vào. Cạnh bên, ghe thúng đánh bắt gần bờ của ngư dân địa phương neo đậu gỡ lưới cá tôm. Lớp người tắm biển, lớp ăn uống, hoạt động trao đổi, mua bán hải sản èo sèo, rác thải vương vãi mặt biển trông rất luộm thuộc, nhếch nhác.

Tạt vào một sạp bán hải sản với đủ loại ốc, mực, tôm, bạch tuộc đã được nướng chín, bày sẵn trên các hộp xốp, trò chuyện với bà Phan Thị Quảng (nhà ở tổ 7, ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, bán hải sản ở đây 5 năm), chúng tôi được bà Quảng cho biết, khách du lịch tới khu vực này chủ yếu là khách bình dân, đi về trong ngày, họ tắm biển, ngồi ghế bố ăn hải sản tại chỗ hoặc mua đem theo. Bà Quảng phải nướng sẵn hải sản để khi khách đông có ngay hàng bán mà khách không phải chờ đợi. Ngày đông khách thu nhập của bà Quảng được 2-3 triệu đồng/ngày, khi vắng khách thì vài trăm ngàn đồng/ngày. Theo bà Quảng, so với làm nông và đánh bắt hải sản, nhiều người buôn bán ở đây đều có thu nhập ổn định và cuộc sống dễ thở. “Tuy nhiên, điều kiện buôn bán ở đây tạm bợ, tiềm ẩn nhiều nỗi lo về ATVSTP, môi trường vệ sinh không bảo đảm. Chúng tôi được biết chính quyền đang có kế hoạch tổ chức, sắp xếp lại khu vực này theo hướng khang trang, sạch đẹp phục vụ cộng đồng. Chúng tôi mong muốn kế hoạch triển khai sớm để chúng tôi có nơi buôn bán ổn định”, bà Quảng nói.

ĐỐC THÚC ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Đoạn cuối Tỉnh lộ 328 được chỉnh trang sạch đẹp, thông thoáng.
Đoạn cuối Tỉnh lộ 328 được chỉnh trang sạch đẹp, thông thoáng.

Theo ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, khu vực ngã tư Hồ Tràm với hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, quán sá tập trung nhiều nên luôn nhộn nhịp khách du lịch. Từ năm 2017, huyện Xuyên Mộc đã bắt tay chỉnh trang khu vực này. Theo đó, đoạn đường cuối Tỉnh lộ 328 chạy ra biển vừa thi công xong mặt đường, UBND huyện đang chỉ đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan đo vẽ tim đường, đặt biển bảng chỉ dẫn giao thông và trang trí cảnh quan. Sau khi hoàn tất khâu đặt biển báo giao thông, đoạn đường này chỉ dành cho người đi bộ, xe máy.

Năm 2017, UBND tỉnh đã thu hồi khu đất của dự án KDL Saigon Times (diện tích 4,45ha) nằm sát ngã tư Hồ Tràm giao lại cho địa phương quản lý. “Nhằm chỉnh trang cảnh quan khu vực Hồ Tràm và giải quyết công ăn việc làm bền vững cho bà con, khu vực này sẽ được bố trí các phân khu: bày bán đặc sản, ẩm thực địa phương, bãi tắm công cộng, neo đậu ghe thúng cho ngư dân và bãi đậu xe ô tô cho du khách. “UBND huyện cũng vừa thi công xong con đường nối từ đường ven biển xuống bãi tắm công cộng và hạ tầng bãi đậu xe. Tất cả ô tô đưa khách đến khu vực ngã tư Hồ Tràm đều phải di chuyển vào đậu ở đây”, ông Đặng Thanh Minh cho biết thêm.

Bà Phan Thị Quảng mong có nơi buôn bán, phục vụ du lịch ổn định, bảo đảm ATVSTP và mỹ quan.
Bà Phan Thị Quảng mong có nơi buôn bán, phục vụ du lịch ổn định, bảo đảm ATVSTP và mỹ quan.

Về việc bố trí điểm buôn bán đặc sản địa phương tại khu đất trên, ông Đặng Thanh Minh cho hay, UBND huyện đồng tình phương án tổ chức mô hình HTX tập hợp bà con ở đây vào buôn bán theo đề nghị của HTX Sản xuất Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ thực phẩm an toàn Tiện Lợi (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc). Cuối tháng 5-2018, UBND huyện Xuyên Mộc đã tổ chức họp lấy ý kiến 60 hộ dân đang buôn bán, đánh bắt thủy hải sản trong khu vực, đa số đều đồng tình ủng hộ dự án kết hợp du lịch nông nghiệp-ẩm thực và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương của HTX này. Ngày 7-6, UBND huyện Xuyên Mộc đã có văn bản báo cáo nội dung cuộc họp lên Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Thường trực Huyện ủy. “Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đề nghị HTX Sản xuất Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ thực phẩm an toàn Tiện Lợi liên hệ với các sở, ngành của tỉnh để được hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai dự án”, ông Đặng Thanh Minh nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

Dự án kết hợp du lịch nông nghiệp - ẩm thực và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương do HTX Sản xuất Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ thực phẩm an toàn Tiện Lợi đề xuất nhằm kết nối, tạo chuỗi sản xuất - tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhu cầu du lịch, mua sắm của khách khi đến Hồ Tràm, đưa sản phẩm nông sản, hải sản trực tiếp đến tay người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển nông thôn mới. Dự kiến dự án có các hạng mục: khu trưng bày, trao đổi, mua bán hải sản, nông sản; khu cắm trại; ăn uống; khu neo đậu ghe thúng; bãi đậu xe; khu bán hàng rong; khu sơ chế thực phẩm an toàn; trình diễn mô hình trồng rau xanh… Vốn đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng.

(Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất Nông nghiệp-Thương mại-Dịch vụ thực phẩm an toàn Tiện Lợi)


 

 

.
.
.