Nguy cơ từ tuyến vận tải hàng hóa đường bộ (Bài 2)

Chủ Nhật, 05/09/2021, 21:34 [GMT+7]
In bài này
.

Các phương tiện vận tải hàng hóa dù đã có mã QR Code luồng xanh nhưng khi qua chốt kiểm dịch tại BR-VT, vẫn phải trình giấy xét nghiệm âm tính không quá 72 giờ. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những tài xế gian dối trong khai báo.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm của một lái xe vận tải hàng hóa tại chốt kiểm dịch cầu Cỏ May (phường 2, TP. Vũng Tàu).
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm của một lái xe vận tải hàng hóa tại chốt kiểm dịch cầu Cỏ May (phường 2, TP. Vũng Tàu).

Theo hướng dẫn của Bộ GT-VT, phương tiện vận chuyển hàng hóa sau khi quét mã QR thể hiện đầy đủ thông tin theo yêu cầu thì được lưu thông qua chốt kiểm dịch. Nếu không đầy đủ, chính xác nhưng người trên phương tiện xuất trình giấy xét nghiệm còn hiệu lực trong vòng 72 giờ, giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện), căn cước công dân hoặc chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe), khai báo y tế đầy đủ... thì cho phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, không phải bao giờ, việc kiểm soát phương tiện và người lái, người đi theo xe cũng bảo đảm sàng lọc triệt để các nguy cơ.

Mới đây, 5 tài xế xe tải của Công ty T.N. dù đã biết kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn di chuyển từ tỉnh Bình Dương về Bà Rịa - Vũng Tàu. Để qua được các chốt kiểm soát, những người này sử dụng giấy xét nghiệm âm tính trước đó (vẫn còn hiệu lực 72 giờ) để qua mặt lực lượng chức năng. Theo nội dung báo cáo của Công an huyện Long Điền về vụ việc trên: “… Tối ngày 27/8, 7 lái xe của Công ty T.N. vận tải hàng từ Phú Mỹ đến khu vực Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương rồi dừng xe và ngủ dọc đường. Chiều 28/8, 7 người này được Công ty tổ chức xét nghiệm nhanh, 5 người có kết quả dương tính nên lãnh đạo công ty yêu cầu cả 7 người này về địa phương để cách ly, điều trị. Trên đường di chuyển từ Bình Dương về Bà Rịa - Vũng Tàu, 5 người này được lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt dừng xe, kiểm tra, nhưng họ đã khai báo gian dối về tình trạng sức khỏe, dùng giấy xét nghiệm PCR ngày 26/8 để qua chốt. Khi đi đến vòng xoay Vũng Vằn thuộc TT.Long Điền, họ mới khai báo đúng tình trạng sức khỏe và được tổ công tác huyện Long Điền đưa về Trung đoàn Minh Đạm để cách ly, điều trị…”.

Tổng cục Đường bộ VN vừa ban hành quyết định thu hồi 25 giấy phép lưu hành xe quá khổ vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng cấp cho Công ty CP Cơ giới Trung Nam miền Nam, thuộc Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam. Lý do thu hồi do đơn vị này có nhiều vi phạm trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tổng cục Đường bộ VN cũng đề nghị Sở GT-VT Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo lực lượng Thanh tra phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm về quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam.

Trước đó, UBND tỉnh BR-VT đã có Văn bản 11926/UBND-VP gửi Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị xử lý trách nhiệm của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam vì vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19. 

Trung tá Võ Quang Vĩnh, Phòng CSGT (PC08) - Công an tỉnh, Tổ trưởng tổ phụ trách kiểm tra xe tại chốt Quốc lộ 51 cho biết: “Về mặt giấy tờ khi qua chốt, các tài xế xuất trình đầy đủ, kể cả giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn. Tuy nhiên họ đã cố tình khai báo gian dối khi biết mình được test nhanh lần gần nhất là dương tính”.

Trước đây, khi xe vận tải vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, sau khi Bộ GT-VT chỉ yêu cầu giấy xét nghiệm trong vòng 72 giờ thì lực lượng làm việc tại chốt thực hiện theo quy định mới.

Theo Văn bản 11325/UBND-VP về việc hướng dẫn hoạt động vận tải bằng xe ô tô đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh có ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp vận tải và người lái khi để lây lan dịch bệnh.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, đối với phương tiện có hành trình đi ra hoặc đi qua vùng có dịch, theo quy định của tỉnh thì người trên phương tiện hạn chế rời khỏi cabin của xe. Đối với trường hợp rời khỏi cabin của xe để giao nhận, xếp dỡ hàng hóa, lái xe và người trên xe phải mặc đồ bảo hộ y tế, thực hiện test nhanh kháng nguyên và “nguyên tắc 5K”. Đơn vị vận tải, nơi giao nhận hàng hóa: có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của lái xe, người đi theo xe, và chịu mọi trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm.

Ngoài ra, đơn vị vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình hoặc camera trên xe, thường xuyên cập nhật, theo dõi hoạt động của phương tiện và yêu cầu lái xe báo cáo ngay về hành trình, dừng đỗ ăn nghỉ, lịch trình tiếp xúc để đảm bảo công tác truy vết (nếu có). “Đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe; cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định”, ông Trần Thượng Chí nói về nhiệm vụ và trách nhiệm của đơn vị vận tải và người trên phương tiện.

Đối với sự việc nói trên, ngoài việc các tài xế gian dối trong việc khai báo đúng về tình trạng sức khỏe, còn có trách nhiệm của DN, là chủ sử dụng lao động của các tài xế này. Việc các DN yêu cầu tài xế (sau khi test nhanh dương tính) quay trở về BR-VT để cách ly, điều trị là trái với quy định phòng, chống dịch. Chưa kể, trong suốt quá trình phát hiện các tài xế dương tính và các tài xế được yêu cầu về BR-VT nhưng DN đã không có bất cứ thông báo nào đối với cơ quan chức năng của BR-VT.

NHÓM PHÓNG VIÊN NỘI CHÍNH

 (Còn nữa)

Có thể bị phạt tù lên đến 12 năm

Về việc 5 tài xế khai báo gian dối về tình trạng sức khoẻ để qua chốt, Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Cảnh, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, theo Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thì người có hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự thì tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử lý hình sự, trong đó, nếu làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có thể bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù với khung hình phạt cao nhất đến 12 năm tù.

 

;
.